Những tính năng phổ biến của công nghệ ADAS mà chúng ta vẫn biết tới như hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng (ACC), Hệ thống phanh khẩn cấp tự động (AEB), Hệ thống cân bằng điện tử (ESP)…
Công nghệ ADAS hay Hệ thống hỗ trợ lái xe nâng cao có lịch sử phát triển từ những năm 1970, tới nay hàng loạt tính năng hỗ trợ an toàn đã được tạo ra và ứng dụng rộng rãi trên xe ô tô hiện nay.
Hệ thống hỗ trợ lái xe nâng cao hay còn gọi là công nghệ ADAS (Advanced Driver Assistance Systems) được tạo ra với mục đích loại bỏ phần lỗi của con người khi vận hành xe ô tô. Thống kê của Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA), đây chính là nguyên nhân gây nên 94% vụ tai nạn xe hơi tại quốc gia này.
Công nghệ ADAS thực tế đã được ứng dụng lần đầu tiên vào năm 1970 với Hệ thống chống bó cứng phanh điện tử (ABS) đã rất phổ biến và vô cùng quan trọng đối với ngành công nghiệp ô tô ngày nay. Hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) là một phần quan trọng tạo ra Hệ thống cân bằng điện tử (ESC) nổi tiếng.
Bước sang thế kỷ 21, thời điểm công nghệ đang phát triển nhanh chóng thì công nghệ ADAS cũng được hoàn thiện hơn với hàng loạt tính năng mới được ra đời. Tất cả vẫn hướng tới mục tiêu tăng trải nghiệm lái xe và giảm tối đa số vụ tai nạn giao thông.
Hệ thống ADAS chủ động gồm có tính năng có thể can thiệp, kiểm soát chuyển động của xe một cách tự động khi cần thiết để đảm bảo an toàn tối ưu trong trường hợp sắp xảy ra va chạm. Tiêu biểu cho loại hệ thống ADAS này là hệ thống phanh khẩn cấp tự động (AEB).
Hệ thống ADAS bị động gồm các tính năng thích ứng, giám sát, cảnh báo để hỗ trợ người lái trong quá trình vận hành phương tiện. Các tính năng nổi bật như hệ thống cân bằng điện tử (ESC), cảnh báo va chạm trước (FCW), hệ thống chống bó cứng phanh (ABS)…
Hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng (ACC – Adaptive Cruise Control)
Hệ thống này sử dụng các cảm biến, radar hoặc laser trên xe để có thể tính được khoảng cách giữa các xe, từ đó đưa ra điều chỉnh tốc độ tự động để duy trì khoảng cách tối ưu, đảm bảo an toàn. Tính năng này được các tài xế đánh giá rất cao khi vận hành trên đường cao tốc, giúp việc lái xe trở nên
Hệ thống cân bằng điện tử (ESP – Electronic Stability Program)
Hệ thống cân bằng điện tử ESP, hay có tên khác là ESC (Electronic stability control), được trang bị vô cùng phổ biến trên ô tô hiện đại ngày nay, vì khả năng giảm thiểu tối đa nguy cơ xe bị mất lái, chệch khỏi quỹ đạo khi đang di chuyển trên nhiều điều kiện mặt đường khác nhau.
Hệ thống ESP được vận hành dựa trên sự hỗ trợ của hai công nghệ an toàn là Hệ thống chống bó cứng phanh (ABS – Anti-lock Brake System) và Hệ thống kiểm soát lực kéo (TCS – Traction Control System), cùng các cảm biến khác.
Hệ thống cân bằng điện tử ESP sẽ kích hoạt hệ thống ABS khi xe phanh lại và kích hoạt hệ thống TCS khi xe tăng tốc đột ngột, qua đó giúp xe bám đường và ổn định trên mặt đường trơn trượt.
Hệ thống giám sát áp suất lốp (TPMS – Tyre Pressure Monitoring System)
Hệ thống giám sát áp suất lốp TPMS có hai loại là gián tiếp và trực tiếp. Theo đó, hệ thống TPMS gián tiếp “tận dụng” các cảm biến trên bánh xe của hệ thống ABS và ESP để thu thập thông tin dựa trên tốc độ quay của mỗi bánh xe.
Dữ liệu này sẽ giúp hệ thống đưa ra được nhận định, gửi cảnh báo khi phát hiện bất thường, cụ thể là tốc độ quay của bánh xe tăng khi đường kính bánh xe giảm do lốp bơm non hơi.
Trong khi đó hệ thống TPMS trực tiếp có sử dụng loại cảm biến riêng biệt để đo lường áp suất ở mỗi lốp, ngoài ra còn tích hợp đo nhiệt độ lốp. Thông tin lấy từ cảm biến được đưa tới hệ thống kiểm soát trung tâm để phân tích. Nếu phát hiện ra áp suất lốp thấp hơn mức cần thiết thì sẽ cảnh báo tới người lái.
Hệ thống phanh khẩn cấp tự động (AEB – Automatic Emergency Braking)
Hệ thống phanh khẩn cấp tự động AEB sử dụng các cảm biết, radar, camera để phát hiện vật thể phía trước, dự đoán về khả năng va chạm và thực hiện cảnh báo tới tài xế. Nếu không thấy tài xế phản hồi sẽ tự động phanh để hạn chế khả năng va chạm với vật thể phía trước.
Hệ thống liên quan tới di chuyển trong làn đường
Hệ thống cảnh báo lệch làn đường (LDW – Lane departure warning) lấy dữ liệu từ camera để phát hiện vạch kẻ làn đường và cảnh báo người lái xe nếu xe đang di chuyển lệch khỏi làn đường đó. Ở một số phiên bản nâng cấp còn có thể tự động điều chỉnh xe đi đúng và làn đường.
Tương tự như hệ thống LDW, hệ thống giữ làn đường (LKS – Lane keeping system) cũng sử dụng camera để giám sát vị trí làn đường của xe, liên tục gửi thông tin về bảng điều khiển trung tâm để thực hiện điều chỉnh giúp xe luôn di chuyển trong làn đường đó.
Hệ thống cảnh báo điểm mù (BSM – Blind spot monitoring)
Hệ thống cảnh báo điểm mù BSM được coi là một tính năng quan trọng vì giúp người lái có thể nhận biết vật cản ở những khu vực bị che khuất ở phía sau xe. Hệ thống BSM sử dụng cảm biến và camera được lắp đặt xung quanh thân xe, phía sau cản xe, gương chiếu hậu, gửi thông tin cảnh báo người lái bằng âm thanh, rung vô lăng, hiển thị hình ảnh trên màn hình.
Hệ thống đỗ xe tự động APA (Automatic parking assist)
Hệ thống đỗ xe tự động APA sử dụng sóng siêu âm ở hai bên thân và ở đuôi xe để nhận diện những vị trí có thể đỗ xe an toàn, đồng thời xác định các vật cản, khoảng cách thích hợp để có thể đỗ xe. Sau khi phân tích dữ liệu, hệ thống sẽ gửi xác nhận muốn đỗ xe và người lái chỉ cần chọn đồng ý là xe sẽ được tự động đỗ vào.
Nguồn: Hunter Engineering
Xem thêm: Công nghệ ADAS trên ô tô và 5 điều cơ bản bạn cần biết