Ô tô mất lái là một trong những hiện tượng nguy hiểm bậc nhất, tỷ lệ cao dẫn tới xảy ra va chạm giao thông, tuy nhiên nhiều người vẫn chưa hiểu đúng và đủ về điều này.
“Ô tô mất lái” hay “ô tô bị cướp lái” … là những cách gọi chung của hiện tượng người lái mất khả năng kiểm soát xe, dẫn đến bị chệch khỏi hướng chuyển động mong muốn.
Hiện tượng này thông thường sẽ xảy ra bất ngờ và đột ngột, vì vậy mà người lái không kịp phản ứng hoặc lựa chọn sai phương pháp xử lý tình huống. Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra rất nhiều vụ va chạm giao thông, đặc biệt là trên đường cao tốc.
Để giải thích về hiện tượng ô tô mất lái thì có rất nhiều nguyên nhân. Thông thường, các chuyên gia sẽ phân thành hai nhóm là lỗi do người lái và lỗi do sự cố kỹ thuật xe.
Các nguyên nhân gây ra hiện tượng ô tô mất lái do người lái có thể kể tới như không làm chủ tốc độ, vượt ẩu, đạp nhầm chân ga với chân phanh, cua bị thiếu lái hoặc thừa lái, thiếu kinh nghiệm xử lý trên đường ướt, trơn trượt…
Đối với lỗi do sự cố kỹ thuật xe là mất phanh, nổ lốp đột ngột, lệch tay lái, thước lái bị lệch, trục trặc hệ thống vận hành, chiều dài của 2 rô tuyn lái bên phải và bên trái không bằng nhau, thước lái lắp vào thân xe bị nghiêng, hệ thống tay đòn dẫn động của bót lái chính và bót lái phụ bị rơ mòn và không cùng phương nằm ngang…
Nói riêng về hiện tượng mất lái do độ chụm từng bên bị sai lệch, vì đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn trên đường cao tốc, bên cạnh việc nổ lốp.
Đó là trường hợp độ chụm từng bên của xe bị sai nhưng độ chụm toàn phần vẫn đúng. Ví dụ xe có độ chụm bánh xe bên trái là -2 độ (bị doãng hay toe-out) còn bên phải là +2 độ (bị chụm hay toe-in).
Khi di chuyển trên mặt đường phẳng thì hệ thống rô tuyn và thước lái sẽ tự động cân bằng hai bên trái và phải để đưa độ chụm toàn phần bằng 0 độ, nên xe di chuyển bình thường.
Tuy nhiên nếu như xe di chuyển vào chỗ xóc khiến một hoặc cả hai bánh trước bị nâng lên khỏi mặt đường thì sự cân bằng của độ chụm toàn phần không còn nữa. Bánh trước sẽ bị một bên doãng và một bên chụm như nguyên bản (-2 độ và +2 độ).
Sau khi vượt qua điểm gây xóc, lúc bánh xe vừa chạm xuống đường là lúc hiện tượng “mất lái” sẽ xảy ra. Tình huống này sẽ đặc biệt nguy hiểm nếu xe đi tốc độ cao, ví dụ như đi trên đường cao tốc và gặp phải di vật trên đường như gạch, đá…
Dựa trên hai nguyên nhân đã nói ở trên, về phía người lái cần phải trang bị đầy đủ kỹ năng lái xe ô tô, luôn làm chủ tốc độ, không phóng nhanh, vượt ẩu, giảm tốc độ khi vào cua và học cách kiểm soát xe trên đường ướt, trơn trượt.
Về mặt kỹ thuật, các người lái nên thường xuyên bảo dưỡng xe ô tô định kỳ, không sử dụng lốp cũ đã quá mòn, lắp thêm cảm biến áp suất lốp… để đảm bảo các chi tiết kỹ thuật trên xe vận hành đúng theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất.
Đặc biệt, cần phải cân chỉnh độ chụm và cân bằng động bánh xe bằng máy Hunter định kỳ sau 6 tháng hoặc 10.000 km để có thể giảm tối đa nguy cơ xảy ra nhao lái hay mất lái.
Dù không muốn rơi vào tình trạng ô tô mất lái, tuy nhiên nếu gặp phải thì tâm trí của người lái phải thật bình tĩnh để đưa ra những giải pháp chính xác và phù hợp nhất.
Đầu tiên, hãy bật đèn cảnh báo, bấm còi thông báo cho các phương tiện xung quanh. Tiếp theo là thực hiện giữ thẳng tay lái, giảm tốc bằng cách giảm chân ga từ từ, chuyển xe về số thấp để phanh động cơ. Không đạp phanh quá mạnh, hay ghì chặt, thay vào đó là đạp nhẹ nhàng, nhấp chân liên tục, tránh tình trạng bó cứng phanh, mất độ bám và sự cân bằng làm xe bị văng quay vòng hoặc bị lật.
Thông thường, nếu được trang bị đầy đủ tính năng an toàn ADAS thì khi xe bị mất lái, các hệ thống như cân bằng điện tử (ESP), phân phối lực phanh điện tử (EBD) hay chống bó cứng phanh (ABS) sẽ can thiệp hỗ trợ lấy quyền kiểm soát xe trở lại.
Nếu đã lấy lại được quyền kiểm soát xe, hãy di chuyển vào đúng làn đường, sau đó có thể dừng lại để lấy bình tĩnh trước khi tiếp tục lưu thông hoặc gọi cứu trợ nếu cần thiết.
Trong trường hợp đã sử dụng các phương án nhưng không thể lấy lại quyền kiểm soát xe, người lái và người trên xe nên chuẩn bị sẵn sàng cho việc va chạm. Cố gắng đánh lái, đưa xe va chạm tới những nơi ít tổn hại nhất như lao xuống ruộng, lao vào bụi cỏ, barie chắn đường…
Nguồn: Hunter Việt Nam
Xem thêm: Nhao lái do lốp xe – “Bệnh nan giải” khó xác định nhất trong dịch vụ ô tô