Hiệu chuẩn ADAS là gì và tại sao cần hiệu chuẩn? - Hunter Vietnam
Đ/tạo Lý thuyết

Hiệu chuẩn ADAS là gì và tại sao cần hiệu chuẩn?

01/04/2024

Hiệu chuẩn ADAS hay căn chỉnh ADAS, hiệu chỉnh ADAS là một trong những bước bảo dưỡng xe quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô, cũng như các Quốc gia đang đặt công nghệ ADAS trở thành trang bị tiêu chuẩn và trở nên phổ biến.

Hiệu chuẩn ADAS là gì
Hiệu chuẩn ADAS là gì và tại sao cần thực hiện?

Hiệu chuẩn ADAS là gì?

Công nghệ ADAS (Advanced Driver Assistance Systems) hay hệ thống hỗ trợ lái xe nâng cao lấy thông tin qua các camera, cảm biến, radar hay lazer để hỗ trợ hệ thống trên chip (SoC) xử lý, đánh giá tốc độ, xu hướng, môi trường quanh xe và đưa ra giải pháp phù hợp cho từng tình huống nhằm đảm bảo an toàn cho xe.

Chính vì vậy, hiệu chuẩn ADAS hay căn chỉnh ADAS là việc đặt, căn chỉnh và kiểm tra các cảm biến điện tử một cách cực kỳ chính xác. Mục tiêu của việc này là đảm bảo các bộ phận này có dữ liệu đầu vào chính xác để có được phản hồi hiệu quả của hệ thống trung tâm với môi trường xung quanh ô tô.

Đồng thời là đặt hướng di chuyển, hướng vô lăng và các mục tiêu ADAS trùng nhau để đạt hiệu quả tối ưu cho công nghệ an toàn hàng đầu này.

Các phương thức hiệu chuẩn ADAS phổ biến

Hiệu chuẩn tĩnh

Hiệu chuẩn tĩnh là sử dụng máy hiệu chuẩn ADAS chuyên dụng được lắp đặt tại garage để điều chỉnh các camera, cảm biến, radar đến đúng vị trí tiêu chuẩn bằng cách sử dụng mục tiêu hoặc điểm tham chiếu giả định.

Hiệu chuẩn động

Hiệu chuẩn động là quá trình hiệu chuẩn trong khi xe đang chuyển động ngoài điều kiện thực tế. Các kỹ thuật viên sẽ sử dụng thiết bị cầm tay kết nối trực tiếp với xe để theo dõi dữ liệu trong quá trình di chuyển để phát hiện ra những sai sót của hệ thống từ đó đưa ra biện pháp chỉnh sửa phù hợp.

Bo Hieu Chuan Adas Hunter
Hiệu chuẩn ADAS với các thiết bị chuyên dụng của Hunter. Ảnh: Hunter Engineering.

Hiệu chuẩn kết hợp tĩnh và động

Phương thức này được giới thiệu trong thời gian gần đây bởi Hunter Engineering Company – công ty sản xuất thiết bị dịch vụ xe hơi hàng đầu thế giới, trong đó kết hợp giữa việc hiệu chuẩn tĩnh và hiệu chuẩn động. Theo đó, bộ thiết bị gồm có thiết bị cầm tay Hunter ADASLink và máy hiệu chuẩn DAS 3000.

Chuyên gia sẽ sử dụng thiết bị cầm tay để thu thập thông tin khi xe đang chuyển động ngoài điều kiện thực tế nhằm đảm bảo độ chính xác tối đa, sau đó sử dụng hệ thống sẽ phân tích và đưa ra gợi ý điều chỉnh trên máy hiệu chuẩn tĩnh.

Vì sao ô tô cần hiệu chuẩn ADAS

Công nghệ ADAS giúp xe trở nên an toàn hơn nhưng ngược lại, nếu hiệu suất không đạt tiêu chuẩn, sẽ gây tác dụng ngược, khiến xe tăng nguy cơ va chạm, vận hành không đúng thiết kế, thậm chí là nguy hiểm cho tài xế.

Cong Nghe Adas Chu Dong
Hiệu chuẩn ADAS giúp cho các tính năng ADAS hoạt động chính xác như thiết kế của nhà sản xuất. Ảnh: Hunter Engineering

Các thiết bị như camera, cảm biến, radar hay lazer là vô cùng quan trọng. Những thông tin từ hệ thống thu thập thông tin này đòi hỏi có độ chính xác cực cao, vì nếu xảy ra sai số trên các bộ phận camera, cảm biến, radar hay lazer sẽ dẫn tới những quyết định hỗ trợ không tốt từ hệ thống.

Ví dụ như camera có khả năng thu hình theo dạng nón, nếu chỉ lệch vài cm cũng khiến cho việc ghi nhận hình ảnh vật cản ở môi trường quanh xe thiếu sót hoặc thừa, làm hệ thống xử lý trung tâm hiểu nhầm và đưa ra sai quyết định.

Hệ thống giữ làn đường (LKS – Lane keeping system) sẽ không thể giúp xe tự động di chuyển chính xác trong làn đường nếu camera bị lệch góc nhìn. Tương tự như vậy với rất nhiều tính năng quan trọng khác của công nghệ ADAS ngày nay như Hệ thống phanh khẩn cấp tự động (AEB), Hệ thống cảnh báo điểm mù (BSM), Hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng (ACC)…

Bên cạnh đó, công nghệ ADAS hoạt động sai lệch có thể gây hao mòn lốp xe và các bộ phận khác của xe. Hiệu chuẩn ADAS giúp giảm hao mòn và kéo dài tuổi thọ của xe, giúp tiết kiệm nhiều chi phí cho tài xế trong tương lai.

Khi nao nen hieu chuan ADAS
Hiệu chuẩn ADAS là một dịch vụ bảo dưỡng bắt buộc để đảm bảo an toàn cho tài xế. Ảnh: Internet.

Khi nào nên thực hiện hiệu chuẩn ADAS

Theo khuyến cáo của các chuyên gia quốc tế, công nghệ ADAS có nhiều lợi ích thiết thực nhưng cần đảm bảo độ chính xác để hệ thống vận hành đúng công năng, không sẽ gây ra nhiều hệ lụy không nhỏ. Việc hiệu chuẩn ADAS nên được thực hiện khi thay kính chắn gió, gương chiếu hậu, xe có va chạm, bật túi khí, thay thế cảm biến hoặc tháo lắp các thành phần ADAS, sửa chữa hệ thống treo, nâng hạ chiều cao xe, đổi kích thước lốp, cân chỉnh góc đặt bánh xe (cân chỉnh độ chụm).

Nếu phát hiện cảm biến hoặc camera của xe bị nhiễu thì cũng nên thực hiện hiệu chuẩn ADAS. Ngoài ra, tài xế nên được hiệu chuẩn định kỳ hai năm hoặc sau 24.000 km để đảm bảo hiệu suất tối đa của công nghệ ADAS.

Nguồn: Hunter Engineering

Xem thêm: Công nghệ ADAS trên ô tô và 5 điều cơ bản bạn cần biết